Ốm nghén – liệu có nên dùng thuốc?
Đừng vì những triệu chứng của ốm nghén mãi không thuyên giảm mà mẹ vội vàng dùng thuốc. Liệu mẹ đã thực sự hiểu về các dạng ốm nghén cũng như những loại thuốc chống nôn nghén hay chưa?
1. Ốm nghén có cần phải dùng thuốc?
Ốm nghén là tình trạng cơ thể mẹ xuất hiện các triệu chứng buồn nôn, nôn mửa, mệt mỏi, khó tiêu,… trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Thông thường, sau khoảng thời gian này, các biểu hiện trên của ốm nghén sẽ biến mất, chỉ có rất ít phụ nữ rơi vào tình trạng nôn nghén suốt thai kỳ. Hơn nữa, ốm nghén còn được coi là dấu hiệu bình thường cho một thai kỳ khỏe mạnh. Các thống kê cũng đã chỉ ra, phụ nữ có giai đoạn ốm nghén trong thai kỳ thì tỷ lệ sảy thai, sinh non sẽ giảm, đồng thời chỉ số IQ, phản xạ, ngôn ngữ của các em bé sinh ra cũng tốt hơn so với những mẹ không bị nghén.
Nôn nghén là một biểu hiện bình thường của thai kỳ.
Tuy nhiên, có những mẹ sức khỏe yếu, dù đã áp dụng rất nhiều mẹo để đẩy lui cơn nghén hoặc thử các phương pháp ăn uống giúp giảm nghén nhưng hiệu quả vẫn không rõ rệt, cơn buồn nôn, sự khó chịu vẫn đeo bám mẹ dai dẳng. Đây chính là lúc mẹ cân nhắc xem có nên dùng thuốc để cải thiện tình hình hay không.
Nếu mẹ đến tiệm thuốc tây thì có thể sẽ được gợi ý sử dụng Metoclopramide, thuốc chống nôn kháng Histamin H1, nhóm phenothiazin, nhóm benzamid, nhóm kháng serotonin, và glucocorticoid. Một số thuốc kể trên “được coi là an toàn với thai nhi”. Thế nhưng mẹ cần phải tỉnh táo. Trên thực tế, không có nhiều nghiên cứu khoa học về tính an toàn của các thuốc chống nôn kể trên đối với phụ nữ mang thai. Mẹ tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc. Bất cứ một loại thuốc nào mẹ dùng lúc này cũng đều phải do bác sĩ chỉ định, hướng dẫn. Thế nhưng, làm mẹ, ai cũng muốn hạn chế sự tiếp xúc của thai nhi với các loại thuốc tây do đó, ngay cả khi dùng thuốc do bác sĩ kê, chắc hẳn trong lòng mẹ vẫn sẽ có những lo lắng, băn khoăn.
Nhiều nỗi lo khi mẹ phải sử dụng thuốc tây trong thai kỳ.
Giải pháp đơn cho tình trạng này là sử dụng những bài thuốc đông y, bài thuốc dân gian. Chúng vừa an toàn với những dược liệu từ tự nhiên lại hoàn toàn có thể giúp mẹ chữa trị những biểu hiện của ốm nghén thể nhẹ và giai đoạn đầu của ốm nghén thể nặng.
Xem thêm: Cẩn trọng sử dụng thuốc ho khi mang thai
2. Mách mẹ 3 bài thuốc dân gian trị ốm nghén
Trong các bài thuốc dân gian trị ốm nghén, gừng là dược liệu được dùng phổ biến nhất bởi tính đơn giản nhưng lại vô cùng hiệu quả của nó. Gừng chứa hóa chất gingerol giúp giảm buồn nôn. Gingerol cũng thúc đẩy sự bài tiết của nhiều enzym tiêu hóa, giúp trung hòa các axit dạ dày và hỗ trợ quá trình tiêu hóa tốt hơn. Dưới đây là 2 bài thuốc trị ốm nghén từ gừng hiệu quả nhất mà mẹ có thể áp dụng.
Bài thuốc 1: Trà gừng
Trà gừng là sự kết hợp giữa gừng với chanh, mật ong và bạc hà. Mẹ chỉ cần trộn một lượng bằng nhau nước chanh, mật ong và bạc hà rồi bỏ thêm một thìa bột gừng hoặc một ít gừng đập dập vào hỗn hợp này là xong. Mẹ nên uống hỗn hợp này 2 lần mỗi ngày, vào buổi sáng và buổi tối để giảm ốm nghén.
Có thể nói, nhấm nháp chút trà gừng hàng ngày là một trong những phương thức hoàn hảo để trị nghén. Trong trà có các chất chống oxy hóa và stress, giúp mẹ giảm căng thẳng, lo âu và mệt mỏi. Đồng thời, các vitamin trong trà giúp trị buồn nôn, do vậy, trà gừng giảm thiểu những triệu chứng ốm nghén rất hiệu quả.
Nhấm nháp chút trà gừng hàng ngày là một trong những phương thức hoàn hảo để trị nghén.
Bài thuốc 2: Tô diệp ô mai chúc
Nguyên liệu gồm có tử tô diệp – hạt và lá của cây tía tô (15 g), ô mai (10 g), gừng tươi (10 g), trúc nhự - chiết suất từ cây tre (10 g) và gạo tẻ (60 g). Đem các dược liệu nấu lấy nước rồi lọc bỏ bã. Gạo đem rửa sạch và nấu cháo. Khi cháo đã nhuyễn, cho nước thuốc vào, đun sôi. Ngày ăn 1 lần, mỗi đợt dùng từ 5-7 ngày.
Bài thuốc này dùng cho những phụ nữ có thai bị đầy tức bụng, nôn ói, đau đầu chóng mặt, đắng miệng, nhạt miệng, khát nước, có nguy cơ bị sẩy thai.
Bài thuốc 3: Trà gừng với vỏ quýt
Nguyên liệu gồm 2 miếng vỏ quýt và 3 lát gừng non. Cách làm hết sức đơn giản: Đem rửa sạch vỏ quýt rồi dùng dao cạo lấy lớp màng bên trong, thái thành sợi nhỏ. Gừng cũng được rửa sạch và đem đi thái sợi. Sau đó, đun gừng với 2 chén nước, ban đầu để lửa lớn sau chỉnh lửa nhỏ dần. Đun gừng sôi khoảng 5 phút rồi cho vỏ quýt vào, đun thêm 10 - 15 phút nữa. Khi trà đã hoàn thành, mẹ chia làm 2 lượt uống trong ngày.
Bài thuốc có sử dụng vỏ quýt.
Chú ý: Mặc dù gừng và các chế phẩm từ gừng đã tỏ ra có hiệu quả đối với phụ nữ đang trong thời kỳ thai nghén thế nhưng gừng lại mang tính nóng, do đó các mẹ bầu nên sử dụng hợp lý, nếu không sẽ bị táo bón.
3. Khi nào mẹ bị ốm nghén cần đi gặp bác sĩ?
Như đã nói ở trên, các bài thuốc đông y chỉ phù hợp để chữa trị triệu chứng ốm nghén ở thể nhẹ hoặc giai đoạn đầu của ốm nghén thể nặng. Nếu các triệu chứng của nghén ngày càng trầm trọng hơn, biểu hiện ở:
- Buồn nôn, nôn ói kéo dài và liên tục trong ngày.
- Nôn ói đến mức khiến cơ thể mất nước nghiêm trọng (mất nước và điện giải nặng do nôn có thể làm cơ thể bị nhiễm toan và nhiễm độc thần kinh).
- Giảm cân nhanh chóng (giảm nhiều hơn 5% cân nặng).
- Hạ huyết áp, chóng mặt, hoa mắt liên tục khi đứng lên ngồi xuống.
- Nước tiểu tối màu hoặc không đi tiểu trong 8 giờ liền.
- Đau bụng thường xuyên.
- Sốt trên 38 độ C.
- Nhịp tim đập nhanh bất thường.
Đây là lúc mà mẹ phải lập tức đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.
Nguy cơ bị ốm nghén thể nặng khá thấp, thế nên mẹ không cần lo lắng quá đâu. Áp dụng 3 bài thuốc bên trên và giữ một tinh thần lạc quan, thời gian ốm nghén của mẹ sẽ trôi qua rất nhẹ nhàng thôi!