Những điều mẹ chắc chắn phải biết về rạch tầng sinh môn
Rạch tầng sinh môn được tiến hành phổ biến đối với các mẹ sinh thường. Thế nhưng, ngoài những điều mà mọi người truyền tai nhau về sự đau đớn khi rạch tầng sinh môn, mẹ đã nắm được những hiểu biết khoa học cơ bản về thủ thuật này hay chưa?
Đặc điểm và vai trò của tầng sinh môn
Tầng sinh môn có cấu tạo gồm 3 phần: Tầng sâu, tầng giữa và tầng nông. Nằm giữa âm đạo và hậu môn, với chiều dài khoảng từ 3cm đến 5cm, có thể nói, tầng sinh môn là một phần của bộ phận sinh sản và sinh dục nữ.
Chức năng chính của tầng sinh môn là bảo vệ, nâng đỡ các cơ quan trong vùng chậu như tử cung, âm đạo, bàng quang, trực tràng. Đây cũng là cửa giao hợp để tiếp nhận tinh trùng của người nam vào trong tử cung, đồng thời đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tình dục cho phụ nữ. Khi người phụ nữ sinh con, tầng sinh môn sẽ giãn nở để đưa trẻ sơ sinh ra bên ngoài. Do đó, nó có vai trò rất quan trọng trong việc giúp cho trẻ sinh ra được an toàn và dễ dàng hơn.
Khi nào thì phải tiến hành rạch (cắt) tầng sinh môn?
Trong ngành sản khoa, phần lớn các sản phụ khi sinh, đặc biệt là sinh con đầu lòng thường được rạch (cắt) tầng sinh môn. Nhiều chị em truyền tai nhau rằng, việc rạch tầng sinh môn chỉ giúp cho bác sĩ hoặc người hộ sinh đỡ đẻ dễ dàng hơn. Điều đó không thực sự đúng. Mục đích chính của thủ thuật này là để mở rộng âm đạo và âm hộ, giúp cho thai nhi được lọt ra dễ dàng, đồng thời phòng ngừa tình trạng rách tầng sinh môn có thể xảy ra cho mẹ. Khi được bác sĩ chỉ định, rạch tầng sinh môn là việc làm cần thiết để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của cả 2 mẹ con trong hành trình “vượt cạn”.
Thủ thuật rạch tầng sinh môn giúp mẹ và con “vượt cạn” an toàn.
Trên thực tế, khi sinh thường, các cơ ở bộ phận sinh dục nữ sẽ dần mở rộng để trẻ dễ dàng chui lọt ra bên ngoài. Tuy nhiên, việc mở rộng và giãn ra của các cơ cũng có giới hạn, nhất là khi trẻ sơ sinh có đầu quá to hoặc đối với những mẹ sinh con so đầu lòng, có tầng sinh môn còn vững chãi, độ giãn nở kém. Lúc này việc sinh nở sẽ trở nên khó khăn hơn. Nếu không sớm có biện pháp can thiệp từ bác sĩ hoặc nữ hộ sinh thì tầng sinh môn có thể bị rách, gây tổn thương cho mẹ. Ngoài ảnh hưởng đến vấn đề thẩm mỹ (vết khâu lại tầng sinh môn khi bị rách sẽ không được thẩm mỹ bằng việc khâu lại vết cắt chủ động trên tầng sinh môn), chúng còn có thể làm cho người phụ nữ bị suy giảm chất lượng sinh hoạt tình dục khi giao hợp, gây đau rát, mất hứng thú và khó đạt được khoái cảm. Tình trạng này, nếu kéo dài, dễ đẩy mẹ sau sinh vào trạng thái lo lắng, buồn phiền, lãnh cảm... ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.
Mẹ nên chuẩn bị trước tâm lý cho việc phải rạch tầng sinh môn khi vượt cạn.
Đối với những mẹ sinh con lần hai, có khả năng sinh đẻ dễ dàng hoặc mang thai nhi nhỏ bé, các mẹ có thể yên tâm, bởi khả năng mẹ phải rạch tầng sinh môn khi “vượt cạn” là rất nhỏ. Ngược lại, trong những trường hợp sau đây, việc mẹ phải rạch tầng sinh môn gần như là chắc chắn:
- Mẹ mang thai khi đã 35 tuổi hoặc hơn.
- Mẹ bị viêm âm đạo hoặc đáy chậu có phù nề.
- Mẹ mắc bệnh tim, có hiện tượng tăng huyết áp trong thai kỳ.
- Mẹ có độ linh hoạt của tầng sinh môn kém, cơ co bóp tử cung của người mẹ không đủ mạnh.
- Cổ tử cung của mẹ đã mở rộng, đầu thai nhi đã xuống thấp nhưng có dấu hiệu suy thai.
- Đầu thai nhi có đường kính lớn.
Mẹ có phải rạch tầng sinh môn khi “vượt cạn” hay không là điều có thể được dự báo từ trước. Do vậy, mẹ nên chú ý theo dõi tình trạng sức khỏe của mình trong thai kỳ cũng như chuẩn bị tâm lý, kiến thức thật tốt cho việc phải rạch tầng sinh môn khi sinh em bé.
Thủ thuật rạch tầng sinh môn diễn ra như thế nào?
Thủ thuật rạch tầng sinh môn thường được tiến hành khi cơn co bóp tử cung của sản phụ lên đến đỉnh điểm và trẻ sơ sinh đang có dấu hiệu đẩy lọt ra ngoài một cách thuận lợi. Trước tiên, mẹ sẽ được tiêm thuốc gây tê tại chỗ ở phần đáy chậu. Trong trường hợp mẹ thực hiện phương pháp sinh đẻ không đau bằng cách gây tê ngoài màng cứng thì sẽ không cần phải gây tê tại chỗ nữa. Sau đó, bác sĩ hoặc nữ hộ sinh chủ động thực hiện một vết rạch ở tầng sinh môn, dài khoảng 2 - 4cm, đường rạch từ đáy âm đạo và thường hơi chếch sang một bên.
Lúc này, cửa âm đạo và âm hộ sẽ mở rộng hơn, kết hợp với những cơn co bóp liên tục từ tử cung và thành bụng, trẻ sẽ được đẩy ra ngoài một cách trơn tru, dễ dàng, tránh gây rách tầng sinh môn cho mẹ. Cũng có đôi khi, do việc thực hiện thủ thuật là cấp bách, bác sĩ sẽ không kịp gây tê cho mẹ. Nhưng mẹ cũng đừng lo lắng quá, cơn đau vì co bóp tử cung sẽ lấn át hết mọi cảm giác khác, kể cả khi mẹ bị rạch tầng sinh môn.
Đường rạch tầng sinh môn dài khoảng 2-4cm, bắt đầu từ đáy âm đạo và thường chếch sang một bên.
Sau khi trẻ sơ sinh ra đời, bác sĩ phải khâu lại tầng sinh môn đã cắt bằng kim khâu và chỉ khâu. Điều này giúp tầng sinh môn được tái tạo, hồi phục và lấy lại được sự thẩm mỹ trước đó. Chỉ khâu được sửa dụng cho lớp niêm mạc và cơ thường là chỉ tự tiêu sau 3 tuần. Còn lớp da được khâu bằng chỉ nilon và sẽ tiến hành cắt chỉ sau 5-7 ngày. Trường hợp mẹ cảm nhận thấy vẫn có vết rách ở bên trong âm đạo, cần ngay lập tức yêu cầu bác sĩ hoặc nữ hộ sinh kiểm tra kỹ và khâu lại.
Chăm sóc vết khâu tầng sinh môn sau sinh
Với những mẹ sinh thường và phải tiến hành rạch tầng sinh môn thì cuộc chiến “vượt cạn” không chỉ diễn ra trên bàn đẻ. Những vết khâu ở tầng sinh môn sẽ gây sưng, đau cùng hàng loạt bất tiện khác trong sinh hoạt hàng ngày. Việc chăm sóc vết khâu tại nhà là rất cần thiết, nếu không, mẹ có thể bị nhiễm trùng hoặc gặp phải những biến chứng nguy hiểm.
- Đầu tiên, mẹ phải vệ sinh sạch sẽ vùng kín. Mẹ có thể sử dụng nước muối pha thật loãng, nước chè xanh hoặc nước tinh khiết đun sôi... Chú ý là nên sử dụng nước ấm. Khi vệ sinh, cần rửa thật nhẹ nhàng, dội nước từ từ. Mẹ nên vệ sinh ít nhất 3 lần/ngày, nên lau khô vùng kín bằng khăn mềm sau khi vệ sinh.
- Khi đi tiểu, mẹ nên kết hợp dội nước ấm từ từ vào vùng kín, hoặc mẹ cũng có thể đi tiểu lúc tắm, điều đó sẽ giúp giảm cảm giác xót và buốt. Sau khi đi tiểu tiện hoặc đại tiện, mẹ nên thực hiện vệ sinh vùng kín ngay theo những hướng dẫn ở trên.
Mẹ có thể đi tiểu trong khi tắm để giảm cảm giác xót và buốt.
- Lựa chọn loại quần lót cotton thoáng mát với eo cao. Quần phải vừa vặn, thoải mái, không quá rộng cũng không quá chật. Mẹ cũng có thể sử dụng loại quần lót dùng một lần, vừa êm ái lại vừa tiện lợi.
- Mẹ cũng nên cố gắng đi lại nhẹ nhàng. Lúc đầu, việc đi lại có thể khó khăn và gây đau đớn nhưng về lâu dài, điều này sẽ làm tăng lưu thông máu, giảm sưng và giúp vết thương mau lành.
- Ăn nhiều hoa quả, rau xanh, uống nước đầy đủ để giúp nhuận tràng và tránh táo bón. Tình trạng táo bón khiến mẹ phải rặn mạnh, có thể làm tổn thương vết khâu chưa lành.
Mẹ nên ăn nhiều thức ăn nhuận tràng để tránh táo bón.
- Thường xuyên kiểm tra vết khâu. Mẹ có thể nhờ y tá đến tận nhà hoặc tới bệnh viện khi đến ngày cắt chỉ vết khâu. Tuyệt đối không tự ý thực hiện việc cắt chỉ ở nhà. Nếu thấy có dấu hiệu sưng tấy bất thường, mẹ nên lập tức tới bác sĩ để được khám và điều trị thích hợp.
Hi vọng những chia sẻ trên đây có thể giúp mẹ giải đáp phần nào những thắc mắc, lo lắng về thủ thuật rạch tầng sinh môn. Hãy chuẩn bị kiến thức đầy đủ và một tâm lý thoải mái cho hành trình dài sắp tới của cả hai mẹ con, mẹ nhé!