Mẹo chăm trẻ sinh non từ A-Z
Trẻ sinh non thiếu tháng thường có hệ miễn dịch kém nên cần được chăm sóc đặc biệt. Bài viết sau đây sẽ chia sẻ cho mẹ những kinh nghiệm quý báu trong việc chăm sóc trẻ sinh non để trẻ có thể phát triển hoàn toàn khỏe mạnh.
Thế nào là trẻ sinh non?
Bình thường, tuổi đời của thai trong bụng mẹ sẽ kéo dài trung bình là 40 tuần trước khi được sinh ra. Khi đó, cơ thể trẻ mới tương đối hoàn thiện về thể chất và có thể nhanh chóng thích nghi được môi trường sống bên ngoài bụng mẹ.
Tổ chức Y tế thế giới WHO đã định nghĩa trẻ sinh non là những trường hợp trẻ có tuổi thai từ 28-37 tuần. Khi đó, mặc dù các bộ phận, cơ quan thực thể của trẻ đã tương đối đầy đủ tuy nhiên phần lớn chưa hoàn thiện được chức năng. Do đó, dễ thấy trẻ sinh non có sức đề kháng cũng như sự thích nghi với môi trường bên ngoài kém hơn hẳn so với trẻ sinh đủ tháng. Vì vậy, một yêu cầu tất là mẹ cần có chế độ chăm sóc đặc biệt cho trẻ sinh non để tránh rủi ro cho trẻ.
Những kinh nghiệm chăm sóc trẻ sinh non của chuyên gia Nhi khoa và chuyên gia dinh dưỡng
Chế độ chăm sóc đặc biệt ngay từ lúc mới sinh
Ngay từ lúc mới lọt lòng, trẻ sinh non sẽ phải cách li ngay cả với chính mẹ ruột để được chăm sóc đăc biệt trong lồng ấp. Đây là một thiết bị cung cấp môi trường sống tối ưu cho trẻ từ điều kiện vô trùng, đến nhiệt độ, ánh sáng.
Trẻ sinh non được chăm sóc đặc biệt trong lồng ấp từ khi mới lọt lòng.
Quá trình chăm sóc trẻ trong lồng ấp của bệnh viện được thực hiện bởi những y tá, điều dưỡng có chuyên môn và kinh nghiệm cao. Quá trình này có thể kéo dài khoảng 7 ngày hoặc hơn, trong thời gian này bé sẽ được cách li hoàn toàn với môi trường bên ngoài, với tất cả mọi người xung quanh kể cả mẹ bé.
Giai đoạn này rất quan trọng cho việc bảo vệ trẻ sinh thiết tháng còn non nớt khỏi các nguy cơ gây bệnh từ bên ngoài và dần dần giúp trẻ thích nghi với môi trường bên ngoài bụng mẹ.
Giữ ấm cho trẻ đúng cách tại nhà
Sau quá trình trẻ được chăm sóc đặc biệt trong lồng ấp, trẻ sẽ được đưa về nhà kèm với những hướng dẫn chi tiết của bác sĩ về cách chăm sóc trẻ sinh thiếu tháng tại nhà.
Trẻ sinh non có lớp mỡ dưới da mỏng đồng thời trung tâm điều nhiệt ở não bộ vẫn chưa phát triển hoàn thiện, do đó cơ thể trẻ có khả năng giữ nhiệt kém, dễ bị hạ thân nhiệt. Vì vậy, giữ ấm cho trẻ đúng cách tại nhà là một việc vô cùng quan trọng.
Giữ ấm cho trẻ sinh non rất quan trọng.
Nhiệt độ phòng thích hợp cho trẻ sinh thiếu tháng là từ 28 – 35oC, độ ẩm tối ưu từ 60-70%. Đối với trẻ sinh thiếu tháng, mẹ nên đặt trẻ trong lồng ấp tại nhà để đảm bảo vệ sinh cũng như duy trì được nhiệt độ thích hợp. Mẹ cũng có thể ủ ấm cho trẻ bằng phương pháp chuột túi (đặt cơ thể trẻ áp vào ngực của mẹ để da mẹ và da bé tiếp xúc với nhau).
Trong thời gian đầu, nhất là vào khi thời tiết lạnh hay nắng nóng tăng cao, cha mẹ hạn chế tối đa việc đưa trẻ ra ngoài trời. Mẹ cần đảm bảo cho trẻ luôn mang tất chân, tất tay, đội mũi cho trẻ. Tùy vào thời tiết và thời điểm trong năm, mẹ hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa để biết nên mặc cho trẻ bao nhiêu lớp áo quần là thích hợp nhất.
Lưu ý: Mẹ không nên lạm dụng nhiều chăn mền để ủ ấm cho trẻ, hạn chế việc để quá nhiều chăn xung quanh nơi trẻ nằm vì có thể khiến ngạt thở thậm chí là tử vong.
Vệ sinh đúng cách hàng ngày cho trẻ
Nhiều cha mẹ lo con sinh thiếu tháng quá non nớt nên không dám tắm cho trẻ, điều này ngược lại lại không hề tốt. Một điều bất ngờ từ những chia sẻ của các chuyên gia đầu ngành là đối với trẻ sinh thiếu tháng, mẹ càng phải vệ sinh lau rửa, tắm cho trẻ thường xuyên để hạn chế tối đa vi sinh vật gây bệnh có cơ hội kí sinh trên da trẻ.
Tuy nhiên, cái khó là mẹ cần chọn được cho trẻ những loại sữa tắm, dầu gội an toàn, không gây kích ứng hay có tác dụng tẩy rửa mạnh sẽ gây tác hại nghiêm trọng trên làn da non nớt của trẻ.
Tắm gội thường xuyên cho trẻ sinh non như những trẻ sơ sinh khác.
Mẹ có thể tắm gội cho trẻ hàng ngày khi thời tiết vào mùa nóng hoặc lau người cho trẻ vào mùa đông. Những vùng da như da cổ cần là nơi được chú ý vệ sinh sạch sẽ nhất cho trẻ do tại đây thường xuyên có sữa tràn ra từ miệng trẻ, lưu lại vừa tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển vừa có nguy cơ trẻ bị hăm da và một số bệnh về da khác.
Ngoài việc tắm gội vệ sinh cho trẻ hàng ngày, trong thời gian đầu mẹ nên cách li trẻ hạn chế tối đa việc tiếp xúc với nhiều người cũng như những đứa trẻ khác để tránh nguy cơ lây lan các nguồn bệnh từ bên ngoài.
Tiêm chủng đúng lịch cho trẻ
Một câu hỏi thường được đặt ra từ những bà mẹ có con sinh thiếu tháng là “trẻ có cần tiêm phòng như những đứa trẻ sinh đủ tháng hay không?” Câu trả lời là có. Lịch tiêm chủng cho trẻ được áp dụng chung cho các trường hợp trẻ sinh non hay trẻ sinh đủ tháng.
Trẻ sinh non nhẹ cân, đề kháng yếu nhưng không vì thế mà phải đi tiêm phòng nhiều mũi hơn hay bỏ bớt đi một loại vaccin nào. Tuy nhiên, việc tiêm chủng cho trẻ sinh thiếu tháng chỉ được tiến hành khi trẻ đã đạt đến cân nặng theo tiêu chuẩn.
Tắm nắng đúng cách cho trẻ sinh thiếu tháng
Trẻ nào cũng nên được tắm nắng và trẻ sinh thiếu tháng cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, một lưu ý quan trọng là không nên tắm nắng cho trẻ sinh non mỗi ngày vì khả năng giữ ẩm trên da trẻ còn kém, da trẻ dễ bị khô, ngoài ra việc cho trẻ ra ngoài tắm nắng mỗi ngày cũng không nên.
Đối với trẻ sinh thiếu tháng, mẹ nên duy trì mỗi tuần tắm nắng cho trẻ 1-2 lần là đủ. Đến khi trẻ tăng cân và phát triển ổn định, cứng cáp hơn thì mẹ mới nên tắm nắng thường xuyên cho trẻ.
Duy trì tắm nắng 1-2 lần/tuần cho trẻ sinh non.
Massage cho trẻ thường xuyên
Việc này vô cùng quan trọng vì nó giúp trẻ sinh non nhanh cứng cáp, giúp cho hô hấp của trẻ được hoạt động tốt hơn, nâng cao khả năng đề kháng của cơ thể trẻ, đẩy nhanh quá trình trao đổi chất và đào thảo những chất độc trong cơ thể qua da và quan trọng hơn nữa, nó giúp tăng cường sự kết nối giữa mẹ và bé, giúp bé gần gũi mẹ hơn.
Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý phải cắt hết móng tay và rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi massage hay làm bất cứ việc gì chăm sóc cho trẻ để tránh lây nhiễm bệnh cho trẻ.
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ hợp lý
Trong mọi hoàn cảnh dù là trẻ sinh thiếu tháng hay đã đủ tháng thì sữa mẹ luôn là thức ăn hoàn hảo nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhất là đối với trẻ sinh nhẹ cân và trẻ có bệnh lý. Hiện nay, chưa có một loại sữa công thức nào có thể đạt được các dưỡng chất có khả năng đề kháng như sữa mẹ.
Đối với trẻ sinh thiếu tháng mà khả năng bú, nuốt và thở của trẻ chưa hoàn chỉnh thì sau khi trẻ bú mẹ cần cho ăn thêm bằng ống tiêm nhỏ giọt hoặc muỗng (thìa).
Đối với trẻ thiếu tháng, mỗi lần cho trẻ ăn nên cách nhau khoảng 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng đồng hồ và khoảng cách này sẽ được tăng khi trẻ lớn hơn.
+ Trẻ 1,5kg cách 1,5 tiếng.
+ Trẻ 2 kg cách 2 tiếng.
+ Trẻ 3 kg cách 3 tiếng.
Trong trường hợp mẹ không đủ sữa cho bé bú thì nên cho trẻ ăn thêm sữa bột dành cho trẻ non tháng, lượng sữa bột cho ăn thêm chỉ nên cho khoảng 1/3 nhu cầu hàng ngày của trẻ và giảm dần đến khi mẹ đủ sữa hoàn toàn (ví dụ trẻ ăn 150ml sữa chỉ nên cho 50ml sữa bột).
Tuyệt đối mẹ không nên cho trẻ bú bình ngay từ đầu vì trẻ sẽ quen với bình sữa và từ chối bú mẹ, điều này sẽ làm cho việc nuôi con bằng sữa mẹ sẽ gặp vất vả và khó khăn. Khi trẻ được tròn 6 tháng tuổi sinh (6 tháng tính từ ngày sinh dự kiến chứ không phải ngày sinh thực tế) nên tập cho trẻ ăn dặm với nguyên tắc: từ ít đến nhiều, từ mềm đến cứng, từ loãng đến đặc và theo dõi sự tiêu hóa của trẻ.
Kết luận: Với những chia sẻ hữu ích trong việc chăm sóc trẻ sinh thiếu tháng trên đây, mong rằng mẹ sẽ có được thông tin cần thiết để chăm sóc trẻ một cách tốt nhất.