Top 8 thay đổi sau sinh quan trọng nhất mà mẹ cần phải biết - Phần 2
Trải qua 9 tháng thai kỳ cùng hành trình “vượt cạn” gian nan, bất kì người mẹ nào cũng cảm thấy cơ thể mình có nhiều thay đổi. Thế nhưng, có những thay đổi rất quan trọng mà mẹ cần phải hiểu thật kĩ để có thể theo dõi được sức khỏe sau sinh của mình.
Mang thai và sinh con là một quá trình vất vả. Trong trải nghiệm ấy của người mẹ, có những phút giây vỡ òa vì hạnh phúc, sung sướng nhưng cũng có những phút giây mẹ phải chịu đựng đau đớn, lo âu. Một trong những khoảng thời gian khó khăn nhất của người mẹ chính là lúc sau sinh. Trong suốt 9 tháng thai kỳ, cơ thể mẹ đã thay đổi rất nhiều để thích nghi với việc có em bé trong bụng như những thay đổi về tử cung, âm đạo,… Thời điểm em bé được sinh ra chính là lúc mà cơ thể người mẹ bắt đầu đưa những bộ phận đó về chu kì hoạt động và trạng thái bình thường. Bởi vậy mới nói, sau sinh là lúc cơ thể mẹ trở nên vô cùng nhạy cảm.
Sau sinh là lúc cơ thể mẹ trở nên vô cùng nhạy cảm.
Nếu mẹ không nắm được nguyên tắc, bản chất của những thay đổi sinh lý này thì có 2 nguy cơ sẽ xảy ra. Một là, mẹ sẽ rơi vào trạng thái lo âu, hoang mang, không biết điều gì đang xảy ra với cơ thể mình, điều đó kéo dài sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của cả mẹ và bé. Hai là, mẹ thờ ơ trước những điều đó, đến khi thay đổi mang tính bệnh lý diễn ra mẹ cũng không đủ kiến thức để nhận biết, như vậy, mẹ dễ bị mắc nhiều bệnh hậu sản vô cùng nguy hiểm.
Phần 1 đã cung cấp cho mẹ khá nhiều kiến thức rồi. Cùng tìm hiểu xem những vấn đề sẽ đề cập ở Phần 2 này là gì, mẹ nhé!
5. Những cơn rét run sau sinh có phải là bình thường?
Mẹ hoàn toàn có thể yên tâm, đó chỉ là một biểu hiện sinh lý có thể gặp sau sinh thôi nhé. Một số sản phụ ngay sau khi sinh có thể lên cơn rét run, đặc điểm của cơn rét run sinh lý là mạch, nhiệt độ, huyết áp vẫn bình thường. Với những mẹ sinh mổ thì nguyên nhân gây hiện tượng rét run sau khi thực hiện phẫu thuật rất có thể là do tác dụng phụ của thuốc gây tê.
Rét run chỉ là một biểu hiện sinh lý bình thường có thể gặp sau sinh.
Tuy vậy, mẹ vẫn cần phải cẩn thận, phân biệt biểu hiện trên với rét run bệnh lý (rét run do choáng mất máu, thiếu hụt canxi và các vitamin bổ máu). Trong rét run bệnh lí, thường có sự thay đổi về mạch, huyết áp, vã mồ hôi, các chi lạnh toát,... Mẹ phải đến gặp bác sĩ ngay khi có những cơn rét run bệnh lý như vậy nhé!
6. Sự mất kiểm soát bài tiết
Trong thời kỳ mang thai, nhiều mẹ đã quen với việc tiểu tiện mất kiểm soát do trọng lượng của thai nhi trong tử cung ép vào bàng quang hoặc do phải chịu đựng những cú đá của con. Thế nhưng, sau khi con đã ra đời, sự mất kiểm soát này vẫn còn tồn tại, khiến nhiều mẹ lo lắng, bối rối. Mẹ cứ bình tĩnh nhé, dù em bé đã ra khỏi tử cung nhưng vẫn còn nhiều lí do khác khiến mẹ không kiểm soát được việc bài tiết của mình.
Có rất nhiều lý do khiến mẹ mất kiểm soát bài tiết sau sinh.
Có thể việc sinh con đã làm yếu cơ sàn chậu của mẹ, khiến cho bàng quang trở nên nhạy cảm quá mức. Hoặc cũng có do tổn thương vùng niệu đạo hoặc các dây thần kinh xung quanh bàng quang kéo dài trong suốt quá trình sinh nở vẫn chưa được hồi phục hoàn toàn. Theo thời gian, việc tiểu tiện của mẹ sẽ trở về bình thường thôi. Mẹ cũng có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về một vài phương pháp, bài tập nhẹ nhàng thì khả năng phục hồi sẽ nhanh hơn đấy.
7. Sự thay đổi của bầu ngực
Trong 2 ngày đầu sau sinh, ngực mẹ chưa có thay đổi gì rõ ràng. Chỉ là lượng sữa về hơi ít, thậm chí có những mẹ rất ít sữa về. Đây là biểu hiện thường thấy chứ không phải là do mất sữa hay tắc sữa như các mẹ lầm tưởng. Điều mẹ cần làm ngay là lau sạch đầu vú, nặn bỏ giọt sữa đầu rồi cho bé bú nhé! Việc cho bé mút sữa sẽ kích thích tuyến vú của mẹ tiết nhiều sữa hơn. Sữa trong 3 ngày đầu này gọi là sữa non, hàm lượng dinh dưỡng và kháng thể rất cao, nếu bé được bú đầy đủ sẽ tránh được những bệnh lặt vặt về sau.
Ở ngày thứ 3 sau sinh ngực mẹ mới bắt đầu cảm thấy những cơn đau.
Sang tới ngày thứ 3 thì ngực mẹ mới bắt đầu cảm thấy những cơn đau. Hai bầu vú của mẹ cương cứng, ấn vào đau, có thể kèm theo sốt nhẹ. Đó là hiện tượng cương tức sữa, cũng rất phổ biến ở các mẹ sau sinh. Dẫu chỉ là một hiện tượng sinh lý bình thường, thế nhưng mẹ cũng phải có những cách xử trí hợp lý, nếu không sẽ chuyển biến thành tắc tia sữa, viêm ngực, thậm chí là áp-xe ngực, vô cùng nguy hiểm đấy. Để giảm thiểu tình trạng cương sữa, mẹ nên nhờ người thân thực hiện động tác massage ở bầu ngực, chườm ấm vùng ngực sau đó cho con bú bớt sữa hoặc vắt sữa, hút sữa ra bình để dùng dần, tránh để tình trạng cương sữa kéo dài.
8. Những thay đổi trong tâm lý của mẹ
Những thay đổi về thể chất của mẹ luôn được người thân để ý kĩ càng và sẵn sàng can thiệp bất cứ khi nào xuất hiện dấu hiệu bất thường. Thế nhưng, những thay đổi về mặt tinh thần, cảm xúc thì lại bị coi nhẹ hoặc do bản thân mọi người xung quanh cũng khó nhận ra được những điều ấy. Bởi vậy, chính mẹ phải là người có khả năng thấu hiểu rõ nhất và nhận ra được những bất thường trong cảm xúc, tinh thần của mình để có biện pháp xử lý kịp thời.
Mẹ rất cần sự quan tâm, chăm sóc sau khi sinh.
Sau sinh, tâm lý của mẹ trở nên rất nhạy cảm, rất dễ bị căng thẳng, áp lực, thậm chí có những lúc cảm thấy vô vọng khi đối mặt với việc chăm sóc con, chuyện gia đình, chuyện công việc. Đôi khi, có những mẹ khóc lóc cả ngày mà chẳng vì một lý do cụ thể nào cả. Dần dà, tâm lý ấy sẽ đẩy mẹ vào trạng thái mệt mỏi, mất ngủ triền miên, thờ ơ với cuộc sống, không có cảm hứng chăm chút cho gia đình cũng như chính bản thân mình. Lâu ngày, mẹ rất có thể bị mắc chứng trầm cảm sau sinh, có những hành động không thể kiểm soát, vô cùng nguy hiểm cho con, cho mẹ và cả cho những người xung quanh.
Tới đây rồi thì mẹ đừng chỉ ngồi đọc một mình nữa nhé, hãy chia sẻ ngay với người chồng của mình về những điều trên. Mẹ có mạnh mẽ đến thế nào cũng không tự mình vượt qua được những thay đổi bất ngờ của cơ thể sau sinh đâu, cần lắm sự sẻ chia, đồng cảm, thấu hiểu và yêu thương từ phía người đàn ông. Nói cho anh ấy biết ngay nào! Chúc gia đình bạn có thể vượt qua giai đoạn hậu sản khó khăn và luôn hạnh phúc nhé.