Giúp mẹ bầu “thổi bay” ốm nghén với 10 mẹo cực hay
Các mẹ bỉm sữa từ lâu đã truyền tai nhau những mẹo rất thần kỳ mà lại đơn giản, giúp biến mất tức thì những khó chịu của cơn ốm nghén. Mẹ đã biết về chúng hay chưa?
Theo thống kê, có tới 75% - 80% phụ nữa mang thai xuất hiện những triệu chứng như buồn nôn, nôn ói, khó tiêu, mệt mỏi,… trong suốt 3 tháng đầu của thai kỳ. Bởi vậy mới nói, ốm nghén chẳng phải câu chuyện của riêng bất kỳ mẹ bầu nào! Hầu như mẹ nào đã từng mang thai thì đều phải trải qua giai đoạn ốm nghén chẳng mấy dễ chịu, đôi khi, biểu hiện ốm nghén còn nặng nề tới mức làm mẹ mệt mỏi, nằm lì một chỗ cả ngày. Nếu mẹ đang rơi vào trường hợp này thì hãy tìm hiểu ngay 10 mẹo cực hay mà các bà bầu luôn truyền tai nhau để “thổi bay” sự khổ sở của những ngày ốm nghén nhé!
1. Thiết lập một chế độ dinh dưỡng thông minh
Một chế độ dinh dưỡng khoa học, phù học có lẽ là điều mẹ cần nhất lúc này. Nếu biết ăn uống đúng cách, mẹ sẽ vừa giảm được tình trạng ốm nghén, khó tiêu, mệt mỏi đồng thời cũng giảm đi đáng kể nguy cơ thai nhi bị thiếu chất, nhẹ cân do mẹ nôn ói quá nhiều. Mẹ phải thiết lập một chế độ dinh dưỡng chặt chẽ, mình ăn như thế nào, ăn vào thời điểm nào, ăn những thực phẩm gì và chế biến ra sao, tất cả đều cần phải được tính tới. Nếu như mẹ biết cách chia nhỏ 3 bữa chính trong ngày thành nhiều bữa phụ hay biết thay thế các món mình không ăn được thành các thực phẩm khác “dễ chịu” hơn mà giá trị dinh dưỡng vẫn tương đương thì mẹ sẽ chẳng có gì phải lo sợ ốm nghén nữa. Mẹ có thể tham khảo thêm cách xây dựng những nguyên tắc ăn uống khoa học ở bài viết 7 quy tắc dinh dưỡng vàng cho mẹ bầu ốm nghén.
Có những quy tắc vàng về dinh dưỡng mà mẹ bầu ốm nghén phải thuộc lòng.
2. Giữ một tinh thần thoải mái
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự lo lắng, suy nghĩ thái quá của mẹ đã kích thích những cơn buồn nôn đến nhiều hơn. Do vậy, mẹ nên xác định tinh thần sẵn trước khi bước vào thai kỳ, đừng quá áp lực hay stress. Thời kỳ ốm nghén cũng sẽ qua nhanh thôi, có tới 85% - 90% mẹ bầu phải trải qua giai đoạn nghén ngẩm này, mọi người vượt qua được thì mẹ cũng sẽ vượt qua được.
Điều mẹ nên lưu tâm lúc này là phải nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý. Thời gian ngủ nghỉ trong ngày của mẹ phải được đảm bảo, sao cho mẹ luôn có một giấc nghỉ trưa ngắn và giấc ngủ buổi tối được kéo dài liên tục từ 6 – 7 tiếng. Ngoài thời gian làm việc căng thẳng, mẹ nên có những phút giây thư giãn để nói chuyện, tâm sự cùng với con, hoặc cả 2 mẹ con cùng nghe một bản nhạc, đọc một cuốn sách mà mẹ yêu. Dù con mới còn trong bụng nhưng đã rất sẵn sàng chia sẻ với mẹ mọi điều trong cuộc sống rồi đấy!
Mẹ bầu hãy dành nhiều thời gian thư giãn, nghỉ ngơi để giảm nghén.
3. Tạo một không gian thoáng mát
Dù ở nhà hay ở công ty thì mẹ hãy cố tạo ra một không gian sạch sẽ, thoáng mát cho mình nhé. Bởi trong thời điểm này, mẹ rất dễ bị kích thích bởi các mùi, từ mùi xăng xe cho tới mùi thức ăn, mùi thang máy hay thậm chí là cả mùi nước hoa của đồng nghiệp. Giữ nhà cửa gọn gàng, thoáng đãng, mở cửa sổ để đón không khí tự nhiên sẽ giúp mẹ xua đuổi được những mùi khó chịu, giảm bớt cảm giác buồn nôn. Nếu ở công ty thì mẹ có thể xin sếp chuyển ra một vị trí gần cửa sổ, đặt chậu cây ở bàn làm việc để có thêm oxy hoặc giữ sẵn trong người một lọ tinh dầu có mùi hương thiên nhiên mà mẹ yêu thích nhằm đối phó với các tình huống cấp bách.
Mẹ có thể giữ một lọ tinh dầu có hương thiên nhiên dịu nhẹ để xua đuổi những mùi khó chịu.
4. Hạn chế mùi hương từ những đồ vật xung quanh
Dĩ nhiên, câu chuyện về mùi hương và sự nhạy cảm trong thời kỳ ốm nghén sẽ chẳng thể được giải quyết triệt để chỉ với một mẹo ở trên. Không chỉ những mùi quá nồng mà, đôi khi, có quá nhiều mùi cũng làm cơ thể mẹ khó chịu, buồn nôn. Do vậy,mẹ hãy đổi các loại mỹ phẩm trong nhà tắm như xà bông, sữa tắm, dầu gội thành những loại không mùi hoặc ít mùi. Các loại son dưỡng hay kem dưỡng ẩm mẹ dùng trong thời gian này cũng nên chuyển về loại thuần nhất, không có mùi hoặc hương liệu.
Mẹ nên chuyển sang các loại mỹ phẩm không có mùi.
5. Ngửi mùi chanh tươi
Mùi chanh tươi đặc biệt dễ chịu đối với các mẹ bầu ốm nghén. Mẹ có thể thái chanh theo lát mỏng, cho vào một lọ có nắp nhỏ xinh và mang theo bên mình suốt cả một ngày. Ngoài ra, các lát chanh tươi có thể được cho vào cùng với trà hoặc pha nước chanh – những thức uống cũng vô cùng tốt đối với mẹ đang trong giai đoạn nghén ngẩm.
Các lát chanh tươi có thể là cứu cánh của mẹ trong những ngày nghén ngẩm.
6. Thói quen vào buổi sáng
Thường thì buổi sáng là lúc mẹ vật vã nhất với những cơn buồn nôn, đó là lí do vì sao ốm nghén còn được gọi là “bệnh buổi sáng”. Buổi sáng cũng là lúc cả nhà tất bật chuẩn bị đi làm, điều này sẽ càng làm mẹ thêm áp lực và tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Bí quyết cho mẹ là đi ngủ sớm từ tối hôm trước và thức dậy sớm vào sáng hôm sau. Khi mới thức, mẹ không nên ngồi dậy ngay, sự thay đổi tư thế đột ngột sẽ làm mẹ buồn nôn. Mẹ nên nằm trên giường trong khoảng 3 – 5 phút sau đó mới từ từ ngồi dậy. Rồi mẹ có thể ra ban công hít thở không khí trong lành buổi sáng và thực hiện một vài động tác thể dục đơn giản. Như vậy sẽ giúp cơ thể, tinh thần mẹ được thoải mái, đẩy lùi cơn ốm nghén và có năng lượng tích cực để hoạt động trong cả một ngày.
Mẹ có thể dạy sớm vào buổi sáng và tập vài động tác thể dục.
7. Học cách đối phó với cơn nôn
Dù mẹ có cố gắng thế nào thì cũng không thể đẩy lui hoàn toàn những triệu chứng của ốm nghén. Những cơn buồn nôn thỉnh thoảng vẫn sẽ đến và mẹ cần phải học cách đối mặt với chúng, hạn chế việc nôn mửa. Nếu mẹ nôn mửa thường xuyên sẽ rất hại cho cơ thể, đồng thời hình thành một phản xạ không tốt, đó là cứ buồn nôn thì sẽ nôn trong khi cơn buồn nôn hoàn toàn có thể khống chế được.
Khi cơn buồn nôn ập đến, các mẹ hãy hít thở thật sâu bằng mũi sẽ giúp xoa dịu hệ thần kinh. Sau đó mẹ hãy nhẹ nhàng bị lỗ mũi bên phải và thở thật chậm rãi trong vài phút để cơn nôn lắng xuống. Cuối cùng mẹ có thể uống một ngụm nước mát để quên đi mùi của những cơn nôn.
Mẹ cần phải học cách đối phó với những cơn nôn.
8. Giữ bản thân bận rộn mỗi khi cơn nôn xuất hiện
Một mẹo khác cũng khá hay giúp mẹ “đương đầu” với ốm nghén đó là cố giữ bản thân bận rộn trước những cơn nôn. Khi cơn buồn nôn kéo đến, nếu mẹ đang ngồi yên một chỗ và trong đầu chỉ nghĩ đến chuyện mình buồn nôn ra sao hoặc mình sắp nôn hay chưa thì đó đúng là một tư thế “chịu trận”, cơn nôn sẽ lên nắm quyền kiểm soát và làm mẹ khổ sở. Mẹ hãy thử cách này, giả vờ quên cơn nôn đi và cố gắng tập trung vào những việc khác, ví dụ như đọc sách báo, xem phim hoặc tán gẫu với bạn bè,… Hiệu quả của nó sẽ cực kì bất ngờ đấy.
Để tảng lờ cơn buồn nôn, mẹ hãy giữ cho bản thân mình bận rộn.
9. Chọn trang phục rộng rãi, thoáng mát
Những bộ trang phục bí bách, bó sát hay chật chột sẽ càng gia tăng cảm giác khó chịu của mẹ trong thời kỳ ốm nghén. Đặc biệt đối với mẹ đi làm ở công sở, những váy chiết eo hay chân váy đuôi cá quá bó sát vào vùng thắt lưng sẽ vô tình tạo áp lực lên dạ dày, khiến cho dạ dày bị chèn ép và muốn tống thức ăn ra ngoài, từ đó khiến cơn buồn nôn đến nhiều hơn. Mẹ nên chọn trang phục rộng rãi, thoáng mát ở nhà, khi đi làm thì nên chọn những mẫu váy suông vừa lịch sự lại vừa dễ chịu.
Những mẫu váy suông sẽ là người bạn thân thiết với mẹ bầu khi đi làm.
10. Tập yoga cho cơ thể dẻo dai
Liệu pháp Yoga không chỉ giúp mẹ kiểm soát được cơ thể, giữ tinh thần thoải mái, sảng khoái mà còn hỗ trợ việc tiêu hóa thức ăn, tạo cảm giác ngon miệng cho bữa cơm sắp tới. Việc luyện tập Yoga lại vô cùng đơn giản, mẹ hoàn toàn có thể tập ở nhà với một “huấn luyện viên online” trên Youtube. Đồng thời các bài tập Yoga lại có nhiều động tác cơ bản, nhẹ nhàng, đơn giản, phù hợp với thể trạng của mẹ mang bầu.
Tập Yoga là một liệu pháp tốt để giảm bớt ốm nghén.
Bỏ túi 10 mẹo này thì mẹ đã chẳng còn lo cơn ốm nghén làm mẹ khổ sở nữa, phải không nào? Chúc mẹ áp dụng những mẹo trên thành công và có một thai kỳ hạnh phúc, khỏe mạnh nhé!