7 quy tắc dinh dưỡng vàng cho mẹ bầu ốm nghén
Giữ được dinh dưỡng đầy đủ cho con trong thời gian mẹ bị ốm nghén, nôn nhiều là một điều rất khó. Mẹ bầu cần thuộc lòng những quy tắc dinh dưỡng vàng sau đây để có thể bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe của 2 mẹ con, vượt qua thời kỳ khó khăn này.
Ốm nghén là giai đoạn cơ thể mẹ trở nên nhạy cảm nhất, dạ dày rất dễ bị kích ứng, gây buồn nôn và nôn ói. Nếu mẹ không biết cách ăn uống thì tình trạng nôn mửa sẽ càng nặng nề hơn. Điều này kéo dài sẽ không chỉ làm suy giảm sức khỏe của mẹ mà còn khiến con phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt các nhóm chất dinh dưỡng quan trọng. Hậu quả để lại là thai nhi bị nhẹ cân, sinh non. Do đó, mẹ rất cần có những quy tắc ăn uống đúng đắn và hợp khoa học trong suốt thai kỳ nói chung và trong thời điểm bị ốm nghén nói riêng. Cẩm nang 7 quy tắc vàng về dinh dưỡng dưới đây được tổng hợp từ lời khuyên của các bác sĩ chuyên khoa cũng như kinh nghiệm của nhiều mẹ bầu đã suôn sẻ vượt qua thời kỳ ốm nghén, chắc chẵn sẽ giúp ích cho mẹ rất nhiều.
1. Tránh xa những món ăn mà mẹ không thích
Trong giai đoạn nhạy cảm này, cơ thể của mẹ dường như phản ứng lại với mùi của hầu hết các loại thức ăn. Đôi khi, chỉ một chút xào nấu trong bếp cũng ngay lập tức khiến mẹ muốn nôn ói. Do vậy, mẹ chẳng nên ép buộc bản thân ăn các món mà mình không thích hoặc các món có mùi vị làm mẹ khó chịu. Nếu cháo thịt hay món trứng khiến mẹ nôn nao thì hãy cứ thẳng tay gạch bỏ chúng khỏi thực đơn trong giai đoạn nghén ngẩm này nhé. Mẹ nên đưa vào bữa cơm nhiều loại hạt, thỉnh thoảng ăn nhẹ với bánh mì, bánh quy, uống thêm các loại nước trái cây và sữa. Đó sẽ là biện pháp thay thế phù hợp, giúp mẹ ăn uống thoải mái mà vẫn đảm bảo đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng cho thai nhi. Còn nếu cứ cố ép bản thân ăn các món mà mình không thích thì tình trạng nôn ói chỉ càng tồi tệ hơn mà thôi.
Mẹ chỉ nên ăn những gì mình thích trong thời kỳ ốm nghén.
2. Hãy là một người đầu bếp thông minh
Đôi khi bản thân các loại thực phẩm không phải là thủ phạm chính khiến mẹ bị kích ứng hay có cảm giác buồn nôn. Nguyên nhân đến từ cách mà mẹ chế biến chúng. Chiên rán với quá nhiều dầu mỡ hay xào nấu cùng một tá các gia vị không phải ý kiến hay tại thời điểm này. Mẹ có thể thử chuyển qua các cách chế biến khác “dễ chịu” hơn, ví dụ như luộc hoặc hấp, biết đâu cơ thể mẹ sẽ chấp nhận chúng thì sao.
3. Chia nhỏ các bữa ăn trong một ngày
Nếu bình thường mẹ ăn khoảng 3 bữa một ngày thì bây giờ nên chia làm 6 bữa nhỏ và ăn vào các thời điểm thích hợp trong ngày. Nếu ăn quá nhiều trong một bữa rất dễ làm dạ dày mẹ bị kích thích, gây cảm giác buồn nôn, muốn nôn. Thế nhưng, với cái dạ dày trống rỗng thì tình trạng nôn mửa của mẹ lại càng tệ hơn. Giải pháp hoàn hảo cho việc này chính là chia nhỏ các bữa ăn trong một ngày. Làm như vậy, mẹ sẽ không phải dung nạp quá nhiều thực phẩm cùng một lúc nhưng vẫn đảm bảo được cơ thể sẽ không có lúc nào bị đói, đồng thời lại có thể linh hoạt lựa chọn thời điểm ăn uống, ăn vào những khi mà mẹ cảm thấy dễ chịu nhất, không bị cơn buồn nôn đeo bám. Mẹ hãy thử ăn bữa tối vừa phải và nhấm nháp chút bánh quy cùng với sữa 1-2 giờ trước khi đi ngủ mà xem. Bữa “ăn đêm” nhẹ nhàng ấy sẽ giúp ổn định lượng đường trong máu và giữ cho dạ dày “sống sót” đến bữa điểm tâm tiếp theo. Đồng thời, nó làm cho các triệu chứng của ốm nghén buổi sáng giảm đi rõ rệt.
Mẹ nên chia nhỏ các bữa ăn trong một ngày.
Mẹ cũng cần nhớ, trong giai đoạn này, phải đặt chất lượng của món ăn lên trước số lượng nhé. Mẹ nên đưa vào thực đơn các thực phẩm tươi sống, an toàn, dễ tiêu hóa, đơn giản mà lại giàu giá trị dinh dưỡng thay vì nhồi nhét nhiều loại thực phẩm trong một bữa.
4. Đừng bao giờ quên uống nước
Khi nôn, không chỉ có chất dinh dưỡng bị đẩy ra ngoài mà lượng nước trong cơ thể mẹ cũng bị mất đi rất nhiều. Trên thực tế, việc mất nước, mất điện giải khi mẹ nôn nghén còn đáng quan ngại hơn so với việc mất đi lượng thức ăn mẹ mới nạp vào. Bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể lúc này là vô cùng cần thiết, thế nhưng đáng tiếc đây lại là điều các mẹ xem nhẹ và hay bỏ qua. Lưu ý là mẹ nên uống nước giữa các bữa ăn chứ không uống nước ngay trong bữa ăn, mẹ nhé.
Mẹ bị ốm nghén cần bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể.
5. Bổ sung vitamin B6
Thiếu vitamin B6 chính là một trong các nguyên nhân gây ra hiện tượng buồn nôn, nôn ở mẹ bầu. Khi được uống bổ sung vitamin B6 thì có tới 95% thai phụ cho biết, các triệu chứng của ốm nghén đã giảm cả về cường độ và độ thường xuyên. Do vậy, mẹ nên chú ý bổ sung vitamin B6 ngay từ đầu thai kỳ.
Có rất nhiều cách khác nhau giúp cơ thể mẹ đầy đủ B6. Mẹ có thể uống bổ sung vitamin trực tiếp, thế nhưng cần phải tham khảo qua ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ trước đã. Cách tốt nhất là mẹ thêm vào thực đơn hàng ngày của mình các loại thực phẩm giàu vitamin B6 như thịt gà, cá hồi, cá ngừ, cá chỉ vàng, bông cải xanh, đậu Hà Lan, chuối,… Mẹ cũng cần chú ý tới cách chế biến chúng, hãy đảm bảo là hàm lượng vitamin vẫn còn “sống sót” được sau khi chúng được nấu chín nhé!
Bổ sung vitamin B6 thông qua các thực phẩm thường ngày giúp mẹ bầu giảm ốm nghén.
6. Biến gừng trở thành người bạn đồng hành
Gừng từ lâu đã nổi tiếng với tác dụng ổn định dạ dày và giảm buồn nôn. Vì vậy mẹ đừng ngại ngần gì, hãy thêm gừng vào các món ăn hàng ngày nhé. Một chút gừng tươi làm gia vị cho món ăn, vừa khiến thức ăn thơm ngon, kích thích vị giác lại vừa giảm được cơn ốm nghén một cách hiệu quả. Nếu mẹ quá nhạy cảm với vị gừng hay những mảnh gừng nhỏ lăn tăn lẫn trong món ăn thì có thể thử xay nhỏ gừng, vắt lấy nước và pha cùng nước mía hơi ấm để uống. Cơn buồn nôn sẽ dịu đi nhanh hơn mẹ tưởng đấy.
Gừng giúp mẹ ổn định dạ dày và giảm buồn nôn.
7. Nói tạm biệt với đồ ăn nhanh, đồ ăn nấu sẵn
Đối với một người khỏe mạnh bình thường, đồ ăn nhanh, đồ nấu sẵn vốn đã chẳng có lợi gì cho sức khỏe. Điều này lại càng đúng hơn khi áp dụng vào trường hợp của các mẹ bầu. Đồ ăn nhanh sẽ không đảm bảo dinh dưỡng, gây khó tiêu, đầy bụng, kích thích dạ dày. Trong khi đó, đồ nấu sẵn có thể không đảm bảo an toàn thực phẩm, mẹ không thể kiểm soát được nguồn gốc cũng như cách chế biến món ăn. Đây sẽ trở thành mối hiểm họa khôn lường đối với mẹ trong thời gian ốm nghén nhạy cảm.
Mẹ hạn chế chúng càng nhiều bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Nếu mẹ làm việc văn phòng và đã quen với việc đi ăn cơm quán mỗi buổi trưa thì hãy thử thay đổi, mang cơm trưa từ nhà đi nhé. Bữa cơm trưa từ nhà tuy là chuẩn bị trong vội vàng thế nhưng vẫn là lựa chọn an toàn hơn nhiều so với những suất cơm văn phòng.
Mẹ văn phòng nên tư chuẩn bị cơm trưa chứ không nên dùng đồ ăn sẵn.
Đồng thời, mẹ hãy tránh xa luôn các loại đồ uống có cồn, các đồ uống gây kích thích nhé. Hãy biến các loại nước ép hoa quả, sinh tố trở thành bạn thân của mình.
Kết: Trên đây là 7 quy tắc quan trọng nhất về dinh dưỡng mà mẹ cần phải biết trong thời kỳ ốm nghén. Nắm rõ 7 quy tắc này và áp dụng chúng vào nếp sinh hoạt hàng ngày chắc chắn sẽ giúp mẹ giảm bớt rất nhiều những phiền toái mà ốm nghén gây ra, đồng thời đảm bảo được dinh dưỡng và sức khỏe cho cả 2 mẹ con. Mong mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh và hạnh phúc!