8 món ăn làm mẹ bầu ốm nghén mê mẩn
Chuyện ăn uống ra sao cho hợp lý, điều độ trong suốt thai kỳ vốn đã khó, nay việc lên thực đơn cho giai đoạn ốm nghén lại càng khiến mẹ đau đầu hơn. Thế nhưng, mẹ hãy cứ “quẳng gánh lo đi mà vui sống”, các món ăn được gợi ý dưới đây đảm bảo sẽ khiến bất kỳ mẹ bầu nào cũng mê mẩn.
Các món ăn được gợi ý bên dưới sẽ luôn đáp ứng được 3 tiêu chí:
- Thứ nhất là nguyên liệu thiên nhiên, dễ tìm, dễ mua.
- Thứ hai là cách chế biến đơn giản, ít dầu mỡ, gia vị, không làm mẹ bị kích ứng, buồn nôn.
- Thứ ba là mùi vị thanh mát, dễ chịu, nhiều chất dinh dưỡng và vitamin, vừa hợp khẩu vị những mẹ bầu đang nghén lại vừa đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho cả mẹ và con.
Mẹ hãy khám phá ngay các món ăn, thức uống ấy là gì nhé!
Canh sấu nấu với sườn non
- Nguyên liệu: Sấu 5 quả (50g), bí xanh (100g), sườn lợn (200g), bột gia vị vừa đủ.
- Chế biến: Sấu cạo sạch lớp vỏ ngoài, rửa kĩ cho hết nhựa. Sườn lợn rửa sạch, chặt miếng vừa ăn, ướp gia vị (muối, hạt nêm) rồi xào chín, sau đó cho vào nồi, thêm nước vừa đủ đun sôi kỹ. Bí xanh gọt bỏ vỏ, rửa sạch, thái miếng. Khi sườn đã nhừ cho bí xanh vào đun sôi khoảng 2 – 3 phút. Cho sấu vào, đợi sôi thêm 3 – 5 phút nữa là được.
- Trước khi ăn, mẹ cần dầm cho nát sấu. Mẹ nên ăn ngày hai và ăn trong 3 ngày liền, có thể ăn lúc đói hoặc ăn cùng với cơm. Vị sấu thanh mát cùng với sườn non và bí xanh giàu chất dinh dưỡng sẽ làm mẹ ăn ngon miệng hơn, đẩy lùi cơn ốm nghén.
Canh sấu nấu với sườn non, ngọt và mát
Cháo hạt sen kết hợp cùng gừng tươi
- Nguyên liệu: Gạo (100g), hạt sen (20g), gừng tươi (10g), đường đỏ (20g).
- Chế biến: Gạo xay thành bột, cho vào nồi, lấy nước vừa đủ, đến khi sôi thì để bếp nhỏ lửa. Gừng giã nhỏ cho thêm vào nồi, quấy cháo đều tay. Hạt sen khô bỏ tâm, ngâm nước từ 1-3 giờ cho mềm rồi bỏ vào cháo. Đun kỹ đến khi cháo chín nhừ thì cho đường đỏ vào quấy đều, để cháo sôi lại là được.
- Mẹ nên ngày hai lần, vào lúc đói. Cần ăn nóng và ăn liền 3 ngày. Mẹ có thể đổi đường đỏ thành muối để phù hợp với khẩu vị của mình hơn. Gừng vốn được biết đến với tác dụng làm ổn định dạ dày, giảm cảm giác buồn nôn, kết hợp với hạt sen giúp an thai tạo nên một món ăn vô cùng bổ dưỡng.
Gừng trong cháo hạt sen giúp ổn định dạ dày và giảm buồn nôn.
Cháo táo ta
- Nguyên liệu: Táo ta (10 quả), gạo (100g), muối vừa đủ.
- Chế biến: Gạo xanh thành bột, táo rửa sạch rồi giã nhỏ, cho vào cùng bột gạo, đổ vào nồi rồi thêm nước, quấy đều đun trên lửa nhỏ. Khi cháo chín nhuyễn thì nêm muối.
- Trong táo ta chứa acid chlorogenic có khả năng loại bỏ acid oxalic ra khỏi cơ thể, giúp giải độc gan, dạ dày, ruột và tuyến tiêu hóa hiệu quả. Nhờ thế mà mẹ bầu có thể giảm sự khó chịu ở dạ dày trong những ngày ốm nghén. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều táo ta thì lại gây đầy bụng. Mẹ nên ăn ngày 2 lần khi cháo còn nóng và chỉ nên ăn 1 ngày như vậy trong tuần.
Táo ta rất bổ đối với mẹ bầu.
Cháo thịt gà đỗ xanh
- Nguyên liệu: Gạo tẻ (100g), gạo nếp (50g), đỗ canh còn lẫn vỏ (25g), đùi gà (50g), hạt nêm, muối vừa đủ.
- Chế biến: Đỗ xanh đãi qua nhiều lần nước cho thật sạch, ngâm đỗ xanh qua đêm hoặc 4 – 5 tiếng rồi cho vào nồi, thêm nước lạnh, đun đến khi hạt đỗ nở bung và mềm nhuyễn. Thịt gà rửa sạch, cho thịt gà vào nồi, đun sôi, nêm vào một ít muối. Đun đến khi gà chín, vớt gà ra đĩa, để nguội, phần nước dùng để dành nấu với cháo, còn phần thịt xé nhỏ. Gạo tẻ và gạo nếp đãi qua nhiều lần nước cho thật sạch, để ráo. Rang gạo từ 5 đến 8 phút đến khi hạt gạo săn lại rồi cho phần nước dùng đã luộc gà vào đun. Đun lửa nhỏ, thỉnh thoảng dùng muôi gỗ khuấy để gạo không bị dính đáy nồi. Đến khi phần gạo nở đều, cho tiếp phần đỗ xanh đã nhuyễn, thịt gà đã xé vào đun cùng, lửa nhỏ, nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn. Đun tiếp từ 15 đến 20 phút rồi tắt bếp.
- Mẹ nên ăn 2 lần trong ngày và ăn khi đói, sẽ giúp mẹ ngon miệng hơn, giảm hẳn tình trạng ốm nghén hay đau đầu khi mang thai.
Món cháo thịt gà đỗ xanh thơm ngon
Canh khế chua
- Nguyên liệu: Khế chua 1 quả (60g), thịt lợn nạc (100g), bột gia vị vừa đủ.
- Chế biến: Khế chua rửa sạch, thái miếng và bỏ hạt. Thịt lợn nạc rửa sạch băm nhỏ ướp bột gia vị (muối, hạt nêm) rồi xào chín, thêm nước vừa đủ. Khi nước sôi, cho khế vào đảo đều, canh sôi lại là được.
- Canh khế chua nên ăn ngày hai lần với cơm và ăn liền 3 ngày. Khế chua rất tốt cho các mẹ bầu, ăn khế thường xuyên giúp mẹ giải nhiệt, bổ sung các vitamin tốt cho cơ thể, giúp dịu cơn ốm nghén.
Canh me
- Nguyên liệu: Cá trắm cỏ 1 khúc khoảng (300g), me, cà chua, rau cải trắng (100g), dầu ăn, bột ngọt, gia vị vừa đủ.
-Chế biến: Cá rửa sạch, bổ đôi ướp bột gia vị trong 20 phút. Quả me cạo vỏ ngoài, cà chua rửa sạch thái miếng, rau cải trắng rửa sạch rồi thái nhỏ. Rán qua cá rồi cho vào nồi xào cùng cà chua, dầm nát cà chua, đổ nước vừa đủ đun sôi thả quả me vào, đun tiếp khi quả me chín thì cho rau cải trắng vào đảo đều, đến khi canh sôi lại thì bột ngọt vào là xong.
- Quả me với vị chua, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, tốt cho việc tiêu hóa thức ăn, chống nôn oẹ.Đây là thứ quả khó có thể thiếu với phụ nữ có thai. Nó không những thỏa mãn cơn thèm chua của các mẹ bầu mà còn giải quyết nhiều triệu chứng khó chịu do ốm nghén gây ra. Mẹ nên ăn ngày 2 lần cùng với cơm.
Quả me vị chua, tính mát, tốt cho việc tiêu hóa thức ăn và giúp chống nôn oẹ.
Nước vỏ bưởi
- Nguyên liệu và cách chế biến: Vỏ bưởi (15g) rửa sạch, cho vào nồi, thêm 300ml nước rồi đun sôi kỹ, chắt lấy 150ml nước thuốc đặc. Mẹ chia 3 lần uống trong ngày, uống trước khi ăn 20 phút và uống khoảng 3 – 5 ngày. Tùy theo khẩu vị mà mẹ có thể thêm đường hoặc không.
- Nước vỏ bưởi có vị chua, the the và hơi ngọt đủ chiều lòng những mẹ bầu khó tính nhất đồng thời cũng giúp giảm nghén trong thai kỳ.
Nước mía gừng
- Nguyên liệu: Mía tím (300g), gừng tươi (5g).
- Chế biến: Mía tím nướng cho nóng, bỏ vỏ rồi ép lấy nước. Gừng giã nhỏ, chắt lấy nước, cho vào nước mía quấy đều. Mẹ chia làm 3 lần uống trong ngày, trước khi ăn 30 phút. Cần uống liên tục từ 3 – 5 ngày.
- Mía vừa giúp làn da mẹ khỏe mạnh, tăng cường miễn dịch, lại tốt cho hệ tiêu hóa, kết hợp cùng với gừng giúp ổn định dạ dày. Sự kết hợp mía và gừng đã trở nên rất phổ biến chính bởi công dụng làm giảm ốm nghén thần kỳ của nó.
Mía rất tốt cho hệ tiêu hóa của mẹ.
Những lưu ý nho nhỏ để việc ăn uống của mẹ ốm nghén hiệu quả hơn
- Những món ăn trên dù rất tốt cho mẹ bị ốm nghén nhưng chỉ mang tính tham khảo, nếu mẹ cảm thấy món nào không hợp khẩu vị của mình thì cứ gạch bỏ nó khỏi thực đơn. Ở giai đoạn nhạy cảm này mẹ không cần ép bản thân phải ăn những thứ mình không thích, điều đó chỉ làm cơn nghén tồi tệ hơn.
- Khi chọn nguyên liệu để nấu các món trên mẹ nhớ mua ở những nơi uy tín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhé.
- Việc thêm gia vị vào các món trên sẽ tùy thuộc vào sở thích của mẹ. Thế nhưng mẹ không nên cho quá nhiều gia vị nhé, rất dễ làm cho dạ dày bị kích ứng, khó tiêu, tăng cảm giác buồn nôn. Mẹ cũng không nên sử dụng hạt tiêu, tương ớt,… các gia vị cay như vậy không tốt cho dạ dày một chút nào.
- Đừng cho quá nhiêu muối. Ăn mặn sẽ làm hại hệ tiêu hóa của mẹ vào lúc này.
- Cuối cùng thì ăn đầy đủ dinh dưỡng thế nào thì các mẹ cũng đừng quên bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể nhé. Điều này rất quan trọng đấy!
Nếu mẹ còn băn khoăn gì về chuyện ăn uống trong những ngày nghén ngẩm thì hãy tham khảo thêm bài viết 7 quy tắc dinh dưỡng vàng cho mẹ bầu ốm nghén nhé. Chúc mẹ có thai kỳ khỏe mạnh và mau chóng vượt qua được giai đoạn ốm nghén khó khăn!